CHẤN THƯƠNG VAI: NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH PHỤC HỒI CHẤN THƯƠNG
Bị đau khớp vai khi tập gym do dây chằng, cơ bị tổn thương hoặc người thực hiện tập sai tư thế, kỹ thuật,…gây ra. Những cơn đau có thể xuất hiện trong chốc lát hoặc kéo dài. Để khắc phục, người tập cần xác định nguyên nhân hình thành và có biện pháp điều trị phù hợp. Tránh tình trạng tổn thương lâu ngày có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khớp vai và sức khỏe.
Các dạng chấn thương vai khi tập gym thường gặp nhất
Tập gym, thể hình là bộ môn thể dục giúp nam giới có cơ thể săn chắc, giúp nữ giới duy trì vóc dáng. Nhưng chung quy lại, mục đích chính của việc luyện tập vẫn là giúp cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên, trong quá trình tập gym, người tập cũng dễ gặp phải một vài chấn thương khớp, đặc biệt là khớp vai.
Sở dĩ khu vực này thường xuyên gặp “sự cố” là vì đây là bộ phận có nhiều dây chằng, bao khớp, gân cơ. Ngoài ra, do cấu tạo nối liền giữa xương bả vai, xương đòn và xương cánh tay, nên khi gặp áp lực khớp vai sẽ rất dễ bị tổn thương. Các trường hợp thường gặp như:
- Trật khớp cùng: Trường hợp này xảy ra khi người tập bị ngã, tay chống đỡ thân người dẫn đến khớp cùng bị trật.
- Gãy xương vùng vai: Khi vai bị va đập mạnh do té ngã, các bộ phận như xương đòn, xương bả vai, cánh tay có thể bị gãy. Người tập lúc này phải kết hợp nghỉ ngơi, điều trị để tránh gây lệch hoặc phạm khớp ở khu vực này.
- Viêm rách gân, chóp xoay: Khớp vai được giữ vững nhờ vào bốn gân cơ cùng với chóp xoay. Tuy nhiên, nhóm gân này rất dễ bị rách, viêm hay chấn thương nếu trong lúc tập gym gặp vấn đề.
- Rách sụn viền, bao khớp vai: Khớp vai có thể dính liền với xương là nhờ sụn viền và ổ chảo. Nếu người tập gym xoay chuyển mạnh hoặc té ngã trong lúc tập có thể khiến chúng bị rách, tróc ra khỏi xương bất cứ lúc nào.
Các bệnh nhân bị chấn thương khớp vai sẽ không tham gia được các môn thể thao như cầu lông, quần vợt,…(các môn thể thao có tư thế vung tay qua khỏi đầu). Trường hợp sụn viền, bao khớp bị tổn thương hay thoái hóa lâu ngày rất khó để điều trị khỏi hoàn toàn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Nguyên nhân bị đau khớp vai khi tập gym
Chấn thương khi tập gym, thể hình khá phổ biến, đặc biệt là tình trạng bị đau khớp vai. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên vấn đề này, điển hình như:
Tổn thương cơ
Các hoạt động liên quan đến khớp vai như xoay tay, giang cánh tay được thực hiện nhờ vào nhóm cơ Delta. Tuy nhiên, người tập trong lúc vận động có thể sử dụng lực quá mạnh khiến cho dây chằng của nhóm cơ này bong ra. Tình trạng này dẫn đến hiện tượng người tập gym bị đau khớp vai dữ dội. Đặc biệt, thường xảy ra ở người tập tạ nhiều hơn những người luyện tập các bài tập khác.
Tổn thương dây chằng
Tổn thương dây chằng là một trong số nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau khớp vai khi tập gym. Các cơn đau hình thành khiến hoạt động của cánh tay gặp nhiều trở ngại. Tổn thương này được xếp vào loại khá nghiêm trọng. Bởi, để phục hồi cần rất nhiều thời gian cũng như việc cung cấp dinh dưỡng cho dây chằng phải thông qua đường mạch máu.
Do đó, trong quá trình luyện tập, bạn nên thực hiện theo hướng dẫn của người có kinh nghiệm. Không những thế, chỉ nên luyện tập vừa sức, bổ sung thực phẩm để bồi bổ cho dây chằng dẻo dai, khỏe mạnh.
Không khởi động trước khi tập gym
Nhiều người không chú trọng bước khởi động trước mỗi buổi tập khiến cho các khớp vai cứng và dễ bị tổn thương. Việc khởi động sẽ giúp các cơ quen dần với việc co giãn, chuyển động, như vậy khi vào tập sẽ không bị đau khớp vai.
Tập sai kỹ thuật
Bên cạnh vấn đề bỏ qua bước khởi động mà tiến hành luyện tập ngay, thì việc tập sai kỹ thuật cũng là nguyên nhân làm khớp vai bị đau khi tập gym. Người tập thực hiện sai động tác có thể bị chấn thương. Nhất là những động tác liên quan đến khớp vai.
Do đó, đa phần các phòng tập đều có Huấn Luyện Viên để giúp bạn chỉnh sửa tư thế sao cho đúng và chính xác nhất. Nhờ đó mà người tập hạn chế được những chấn thương không mong muốn xảy ra.
Sử dụng tạ quá nặng
Như trên cũng đề cập, người tập tạ sẽ có nguy cơ bị đau khớp vai hơn so với những người thực hiện các bài tập khác. Việc lựa chọn mức tạ cũng là một trong những nguyên nhân chính gây nên đau cơ. Nếu người tập chọn loại tạ phù hợp, luyện tập đúng kỹ thuật sẽ tránh được nguy cơ chấn thương.
Mắc bệnh về xương khớp
Trường hợp bạn đã khởi động cẩn thận, lựa chọn tạ và luyện tập đúng tư thế nhưng khớp vai vẫn bị đau, rất có thể là do bạn đang mắc bệnh lý về xương khớp. Bạn nên đến cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị sớm.
Một số bệnh lý phổ biến gây đau khớp vai như: viêm quanh khớp vai, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp,…Do đó, trong quá trình tập gym, bạn nên chú ý đến những bất thường trên cơ thể để kịp thời khắc phục, tránh bệnh chuyển biến nặng nguy hại sức khỏe.
Không chỉ có những nguyên nhân bên trên gây nên tình trạng đau khớp vai khi tập gym. Thực tế còn nhiều yếu tố khác tác động như cường độ luyện tập, thiếu dưỡng chất, thiếu nước,…Lúc này, cơ thể của bạn dễ bị mệt mỏi, yếu cơ dẫn đến những tổn thương không mong muốn.
Mức độ nguy hiểm khi tập gym bị đau khớp vai
Đau khớp vai khi tập gym ở mức độ nhẹ có thể nghỉ ngơi, điều chỉnh lịch tập và bổ sung dinh dưỡng để cải thiện. Tuy nhiên, nếu các tổn thương ở vai gây sưng, đau nhức dữ dội, bạn nên đến cơ sở y tế để thăm khám sớm.
Trường hợp, bệnh nhân đã có chấn thương vai nhưng không điều trị có thể khiến tình trạng viêm, tổn thương biến chứng nặng nề. Cụ thể, người bệnh dễ bị lệch xương, lỏng khớp,…thậm chí là biến dạng khớp hoặc tàn tật vĩnh viễn.
Bị đau khớp vai khi tập gym là tình trạng không nên chủ quan. Bởi như trên cũng đã nói, một trong những nguyên nhân gây ra triệu chứng này có thể là do cơ thể bạn đang mắc các bệnh lý tiềm ẩn về xương khớp. Chúng không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn khiến sức khỏe giảm sút.
Để tránh những biến chứng không mong muốn xảy ra. Các chuyên gia khuyến cáo người khi tập gym khi gặp tình trạng đau khớp vai nên có biện pháp điều chỉnh, khắc phục càng sớm càng tốt.
Bị đau khớp vai khi tập gym nên xử lý như thế nào?
Dựa vào tình trạng đau nhức khớp vai khi tập gym cũng như nguyên nhân gây ra nó mà người tập có thể áp dụng cách xử lý cho phù hợp. Dưới đây là gợi ý cho bạn đọc một số biện pháp giảm nhẹ cơn đau:
Mẹo giảm đau khớp vai khi tập gym tại nhà
Nếu đau nhức nhẹ ở vùng khớp vai mỗi khi luyện tập tại phòng gym về, bạn có thể tham khảo và áp dụng các mẹo giảm đau đơn giản như:
- Chườm nóng – lạnh
Chườm nóng hoặc chườm lạnh là biện pháp giảm đau khớp vai hiệu quả. Phù hợp cho những anh chàng, cô nàng vừa tập gym xong có cảm giác đau nhẹ khu vực này. Trong đó, chườm nóng thường được áp dụng cho đau nhức không có hiện tượng sưng viêm. Và chườm lạnh được thực hiện khi người luyện tập đau vai kèm theo triệu chứng sưng.
Nhiệt độ nước thích hợp cho chườm nóng là từ 60 – 70 độ C. Đổ nước vào túi chườm chuyên dụng sau đó áp lên vị trí đau. Các mô cơ của khớp sẽ được giãn nở, làm mềm và cải thiện tình trạng đau nhức hiệu quả.
Đối với biện pháp chườm lạnh, bạn có thể sử dụng một vài viên đá cho vào túi chườm và áp và khớp vai bị đau. Nhiệt độ thấp của nước sẽ giúp giảm sưng, đau. Chú ý, biện pháp này nên thực hiện trong khoảng 20 phút. Không nên chườm quá lâu làm ảnh hưởng đến phần thịt mềm của cơ thể.
-
Thư giãn khớp vai
Việc để khớp vai có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn sẽ giúp giảm đau khá hiệu quả. Đặc biệt, biện pháp này phù hợp cho những người luyện tập hơi quá sức và đã tạo nhiều áp lực cho khớp vai. Bạn có thể thả lỏng khớp hoặc xoay chuyển, vận động nhẹ nhàng để bộ phận này được giãn cơ, giãn gân, giảm đau.
Thực hiện trong khoảng 5 – 10 phút, cơ bắp và các khớp được thư giãn. Cách này còn giúp cơ thể giảm áp lực lên các dây thần kinh, dây chằng. Đau nhức sẽ nhanh chóng được cải thiện. Ngoài ra, tình trạng căng cứng cơ cũng được khắc phục hiệu quả, an toàn.
-
Massage
Massage là biện pháp giúp người tập gym bị đau khớp vai cải thiện tình trạng tại nhà. Sử dụng bàn tay tác động lên các huyệt đạo, khớp cơ sẽ giúp chúng được thư giãn, ức chế những cơn đau. Trường hợp vị trí đau không với tay tới, bạn có thể nhờ người thân hoặc huấn luyện viên hỗ trợ.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng một ít dầu nóng để quá trình massage được hiệu quả hơn. Việc nắn, bóp các cơ chỉ nên tác động lực nhẹ nhàng, nhất là vị trí mô mềm hoặc vùng da bên ngoài khớp vai, tránh làm tổn thương nghiêm trọng hơn.
Khắc phục đau khớp vai khi tập gym bằng thuốc Tây
Nếu tình trạng đau nhức khớp vai khi tập gym không cải thiện, mặc dù đã áp dụng các biện pháp tại nhà. Bạn nên thăm khám bác sĩ để được điều trị chuyên sâu hơn. Bác sĩ sẽ dựa vào những triệu chứng và vị trí đau để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Trong đó, các loại thuốc giảm đau, kháng viêm thường được đưa vào đơn thuốc, giúp người bệnh giảm nhẹ triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân chỉ nên sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo không gây tác dụng phụ không mong muốn đối với cơ thể.
Phẫu thuật chỉnh hình đau khớp vai khi tập gym
Trường hợp bị đau khớp vai khi tập gym hình thành do những chấn thương nghiêm trọng hoặc do mắc bệnh lý xương khớp nặng cần phải tiến hành phẫu thuật. Các bác sĩ sẽ cân nhắc áp dụng khi việc điều trị nội khoa không còn tác dụng, tình trạng khớp có nguy cơ bị biến dạng, teo cơ.
Biện pháp này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro trong và sau khi đã tiến hành giải phẫu. Chính vì thế, cả bác sẽ lẫn bệnh nhân phải xem xét, thảo luận thật kỹ trước khi đưa ra quyết định thực hiện.
Cách phòng tránh tình trạng bị đau khớp vai khi tập gym
Để tránh khớp vai bị chấn thương gây đau nhức khi tập gym, bạn đọc nên lưu ý những vấn đề dưới đây:
- Chú ý đến việc khởi động trước khi bước vào buổi tập. Dành ra ít nhất 15 phút để thực hiện những động tác thả lỏng, căng, giãn cơ để các khớp quen dần, giảm nguy cơ cứng cơ, sưng đau khớp khi luyện tập.
- Thực hiện đúng theo hướng dẫn của huấn luyện viên. Nếu cảm thấy đau nên báo với người hướng dẫn hoặc nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ.
- Duy trì cường độ vừa phải, phù hợp. Không nên tập luyện quá sức khiến cơ thể mệt mỏi dễ gây tổn thương cho xương khớp.
- Có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Đối với những người luyện tập thể hình, tập gym thì chế độ dinh dưỡng đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Đặc biệt, nếu bạn tập nặng nên bổ sung protein, năng lượng bằng đa dạng thực phẩm để bù vào lượng năng lượng đã tiêu hao.
- Ăn nhẹ trước mỗi buổi tập, không nên để cơ thể trong trạng thái quá đói hoặc quá no sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và sức khỏe.
- Chú ý thời gian tập, không nên tập quá sớm hoặc quá muộn. Tốt nhất nên để cơ thể có thời gian nghỉ ngơi, hồi sức.
- Uống đủ nước mỗi ngày là cách cung cấp năng lượng tuyệt vời cho cơ thể.
- Sau khi tập, không tắm ngay mà nên dành thời gian nghỉ ngơi. Tắm nước ấm, tránh tắm nước lạnh có thể gây đột quỵ nguy hiểm.
Bị đau khớp vai khi tập gym là tình trạng khá phổ biến, nhất là với những người mới bắt đầu luyện tập bộ môn này. Thông tin trong bài viết hy vọng đã mang đến cho bạn đọc kiến thức cần thiết. Bạn nên chú ý đến những thay đổi trên cơ thể để có những biện pháp ứng phó kịp thời. Tránh đau nhức khớp vai biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống.
Xem thêm: KHI NÀO CHƯỜM LẠNH, KHI NÀO CHƯỜM NÓNG KHI CHẤN THƯƠNG.